• Thời gian khám bệnh

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 7h00 - 16h00

    Thứ 7 : Từ 8h00 - 16h00

    Khám ngoài giờ

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 16h00-18h00

Hãy ngăn chặn căn bệnh giấu mặt GLAUCOMA

Ngày 17/6/2015

HÃY NGĂN CHẶN CĂN BỆNH DẤU MẶT GLAUCOMA

 

Glaucoma hay còn gọi là bệnh cườm nước hoặc thiên đầu thống, là một nhóm bệnh lý của mắt gây tổn hại thị thần kinh và hậu quả là mù lòa nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây mù trên thế giới  đứng sau đục thể thủy tinh.

Theo hiệp hội Glaucoma thế giới ước tính hiện này toàn cầu có khoảng 4,5 triệu người bị mù lòa do bệnh lý này, con số này sẽ tăng lên đế khoảng 11,2 triệu người cho đến năm 2020. Và điều đặc biệt nguy hiểm là do sự tiến triển âm thầm của bệnh, có khoảng 50% người  bệnh glaucoma ở những nước đã phát triển không biết mình bị bệnh, con số này có thể tăng đến 90% ở những nước chưa phát triển.

Nguyên nhân của bệnh glaucoma thường được biết là do áp lực ở trong mắt tăng cao, gây chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng thị thần kinh làm cho thị thần kinh bị tổn thương không phục hồi và đưa đến tình trạng mù lòa. Ngày nay người ta còn thấy có nhiều cơ chế khác gây tổn thương đầu thị thần kinh trong bệnh glaucoma như những bệnh lý gây xơ hóa mạch máu, những chất oxy hóa, hóa chất trung gian gây chết tế bào…

Có nhiều cách phân loại bệnh Glaucoma, một cách phân loại thường dùng đó là: Glaucoma nguyên phát và Glaucoma thứ phát.

Trong Glaucoma nguyên phát thường phân biệt 2 dạng và biểu hiện bệnh tùy thuộc vào từng dạng:

+ Glaucoma góc mở: biểu hiện âm thầm, không đau nhức, thường phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe, khám định kỳ ….hoặc phát hiện ở giai đoạn muộn khị thị lực đã bị tổn thương trầm trọng.

Hình 1: Tổn thương thị thần kinh trong glaucoma góc mở

+ Glaucoma góc đóng: đôi khi có những biểu hiện rầm rộ như nhức mắt, nhức đầu, nhìn mờ, nôn ói…nhưng có nhiều trường hợp không có triệu chứng cho đến giai đoạn nặng.

Hình 2: Glaucoma góc đóng cấp

Glaucoma thứ phát: là biến chứng của những bệnh mắt khác: chấn thương, viêm màng bồ đào, tiểu đường, sau phẫu thuật nội nhãn như: Phaco, bong võng mạc…

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh Glaucoma như: thuốc. laser, phẫu thuật, nhưng chưa có phương pháp nào điều trị triệt để căn bệnh này. Khi đã mất thị lực là không thể phục hồi, tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình mù lòa do bệnh gây ra. Do vậy phát hiện sớm là vô cùng quan trọng để giới hạn việc giảm thị lức và ngăn chặn tiến trình dẫn đến mù lòa.

Hình 3: Tổn thương thị trường trong bệnh glaucoma

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện vào năm 2011 đối với những người 35 tuổi tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình: 94 người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không nghe gì về bệnh Glôcôm. Tỷ lệ Glôcôm  trong một số cộng đồng dân cư nghiên cứu chiếm 2,2% (ở Nam Định) và 2,4% (Thái Bình).

Khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, thường xuyên đo thị lực, nhãn áp, khám đầu thị thần kinh…là những việc cần thiết để phát hiện sớm bệnh glaucoma, nhất là những người trên 40 tuổi, những người có tiền sử gia đình bị bệnh glaucoma, hay những người bị tiểu đường cao huyết áp, cận thị, viễn thị nặng, những người đã trải qua phẫu thuật tại mắt…

Các bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện được bệnh glaucoma ở giai đoạn sớm và giúp bạn chọn lựa những phương pháp điều trị tốt nhất để duy trì thị lực của bạn.

                                                   

                                                                             Bs Nguyễn Đường Thành

                                                                           Khoa điệu trị Nội tổng hợp