Mỗi năm, bệnh viện mắt Nghệ An thực hiện hơn 4500 ca phẫu thuật phaco điều trị cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Đây mới chỉ là một con số rất ít trong số những bệnh nhân cần phẫu thuật điều trị bệnh lý này.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ngày càng tăng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Hiện nay, nước ta có khoảng hai triệu người bị mùa lòa, kém thị lực, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lêm tới 150.000 người. Nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thủy tinh thể chiếm 66,1%. Trong số các nguyên nhân gây mù thì có tới trên 80% có thể phòng hoặc chữa được. Đục TTT là một bệnh có thể điều trị được bằng phẫu thuật đơn giản với độ an toàn và hiệu quả cao . Ngày nay, hai phương pháp được áp dụng phổ biến trong phẫu thuật đục TTT là phẫu thuật lấy TTT ngoài bao và phương pháp hiện đại hơn là phẫu thuật bằng phương pháp PHACO. Phẫu thuật bằng phương pháp PHACO đã bắt đầu được triển khai trong điều trị đục TTT từ năm 1995 đã và đang trở thành một phương pháp thường quy tại hầu hết các bệnh viện, trung tâm nhãn khoa trong cả nước cho tới nay
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể và yếu tố nguy cơ
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.
-
Tuổi tác: Khi con người già đi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh.
-
Bẩm sinh: Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn si truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai.
-
Các nguyên nhân thứ phát: Các căn bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh.
-
Chấn thương: Một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm.
-
Các nguyên nhân khác: bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị.Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thể thuỷ tinh gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp. Rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng.
Những triệu chứng thường gặp nhất là:
- Nhìn mờ
- Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn.
- Màu có vẻ nhạt hơn.
- Ban đêm thị giác kém hơn.
- Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.
- Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Những triệu chứng này có thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt.
Khi đục thủy tinh thể ít, có thể người bệnh không nhận ra thị lực có thay đổi hay không. Nhưng đục tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Một số người có đục thủy tinh thể nhận thấy rằng thị lực nhìn gần/ đọc sách trở nên tốt hơn, nhưng chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển nhiều hơn.
Biến chứng của đục thủy tinh thể:
-
Thay đổi khúc xạ
-
Viêm màng bồ đào
-
Glocom
Điều trị đục thủy tinh thể như thế nào?
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.
Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.
Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể có hiệu quả không?
Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt. Với kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại như tại Bệnh viện Mắt Nghệ An, 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt.
Lấy thủy tinh thể được thực hiện như thế nào?
Chủ yếu có hai cách lấy thủy tinh thể. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể hai cách phẫu thuật khác nhau như thế nào và giúp bạn quyết định cách tốt nhất:
- Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể hay phaco: Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc ,Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, do đó có thể hút ra. Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco, còn gọi là phẫu thuật đường rạch nhỏ.
- Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Sau đó hút phần còn sót lại.
Sau khi lấy thủy tinh thể, bác sĩ sẽ đặt một kính nội nhãn thay vào vị trí của thủy tinh thể. Kính nội nhãn là một thấu kính nhân tạo trong suốt, sẽ là một phần của mắt bạn suốt đời nhưng bạn không cần phải chăm sóc cho nó. Thị lực của bạn sẽ cải thiện tốt với kính nội nhãn vì ánh sáng xuyên qua nó đến võng mạc. Nhưng bạn cũng không cảm thấy hoặc nhìn thấy thấu kính mới này.
Cần làm gì trước phẫu thuật?
Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này bao gồm đo độ cong giác mạc, kích thước và hình dạng nhãn cầu để chọn loại kính nội nhãn thích hợp, xét nghiệm máu (người bệnh nhịn ăn sáng) và khám nội khoa để đảm bảo thể trạng người bệnh cho phép tiến hành phẫu thuật.
Chuyện gì xảy ra trong khi phẫu thuật?
Khi vào bệnh viện, bạn được nhỏ thuốc dãn đồng tử, thuốc rửa mắt.
Cuộc phẫu thuật kéo dài không quá 30 phút và hầu như không đau. Hầu hết bệnh nhân được vô cảm tại chỗ (nhỏ thuốc tê và / hoặc tiêm tê) để làm mất cảm giác đau. Do đó bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng mắt và nằm nghỉ. Bác sĩ khám và theo dõi có biến chứng sau phẫu thuật không. Hầu hết bệnh nhân có thể về ngay trong ngày. Bệnh nhân không tự lái xe được ngay nên cần có người thân đi kèm.
Chuyện gì xảy ra sau phẫu thuật?
Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa và xốn nhẹ một thời gian ngắn. Cũng có thể chảy nước mắt, mắt cảm thấy chói sáng và nhạy đau. Nếu mắt khó chịu, có thể dùng thuốc giảm đau mỗi 4-6 giờ. Sau 1-2 ngày mắt sẽ hết đau. Đa số trường hợp mắt sẽ lành trong khoảng 6 tuần.
Khi nào thị lực trở về bình thường?
Bạn có thể nhanh chóng trở về hoạt động thường ngày nhưng mắt có thể còn mờ. Cần có thời gian để mắt điều chỉnh phù hợp với mắt còn lại, nhất là khi mắt đó cũng bị đục thủy tinh thể. Nếu có đặt kính nội nhãn thì bạn sẽ cảm thấy màu có vẻ sáng hoặc hơi xanh. Khi có ánh sáng mặt trời nhiều có thể bạn cũng cảm thấy mọi vật hơi có màu đỏ trong vài giờ. Nếu bạn thấy hiện tượng này có nghĩa là kính nội nhãn trong suốt. Những cảm giác này sẽ hết sau vài tháng.
Kết luận:
Phẫu thuật phaco là một phương pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh lý đục thủy tinh thể. Bệnh viện Mắt Nghệ An tự hào là đơn vị tuyến đầu của tỉnh trong lĩnh vực nhãn khoa. Với hệ thống máy móc hiện đại, các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, bệnh viện là một cơ sở tin cậy cho nhân dân tỉnh nhà và khu vực lân cận.
BS chuyên khoa: Lê Phước Sang