• Thời gian khám bệnh

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 7h00 - 16h00

    Thứ 7 : Từ 8h00 - 16h00

    Khám ngoài giờ

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 16h00-18h00

TÌM HIỂU VỀ TẬT KHÚC XẠ HỌC ĐƯỜNG

Ngày 12/1/2022

TẬT KHÚC XẠ HỌC ĐƯỜNG

1. Dịch tễ học Tật khúc xạ học đường

Theo nhiều nghiên cứu, tật khúc xạ nói chung và cận thị học đường nói riêng đang ngày càng có xu hướng gia tăng, là mối quan tâm của từng gia đình và toàn xã hội. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh học đường không đạt yêu cầu và gánh nặng học tập là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ cận thị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Quốc tế về Phòng chống Mù lòa (IAPB) đã nhận định rằng, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính đã và đang là một nguyên nhân đáng kể gây mù và là nguyên nhân chủ yếu gây giảm thị lực. Năm 2006, WHO ước tính có khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới mắc tật khúc xạ, trong đó có 153 triệu người bị giảm thị lực hoặc bị mù do tật khúc xạ không được chỉnh kính.

Cận thị học đường không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập, sinh hoạt của học sinh mà chi phí điều trị cận thị đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

2. Khái niệm Tật khúc xạ

   Tật khúc xạ là do mắt không có kích thước và hình dạng đúng, do đó ánh sáng không hội tụ đúng trên võng mạc. Người có tật khúc xạ cần phải đeo kính để có thể nhìn rõ và dễ chịu.

2.1 Cận thị

Người bị cận thị, thông thường có độ dài của mắt lớn hơn bình thường (cận thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá cong (cận thị do khúc xạ).

Ở mắt cận thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ thành một điểm gọi là tiêu điểm, tiêu điểm này nằm trước võng mạc.

Mắt bị cận thị thường được gọi là “mắt nhìn gần” do người cận thị nhìn gần rõ hơn nhìn xa.

2.2 Viễn thị

Ngược lại với người bị cận thị. Người bị viễn thị, thông thường có độ dài của mắt ngắn hơn bình thường (viễn thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá dẹt (viễn thị do khúc xạ).

Ở mắt viễn thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ ở sau võng mạc, tiêu điểm nằm sau võng mạc.

Mắt bị viễn thị thường được gọi là “mắt nhìn xa” do người cận thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần.

2.3 Loạn thị

Ở mắt bình thường không có tật khúc xạ (mắt chính thị), mắt cận thị và viễn thị đều có khúc xạ cầu. Mặt cầu giống như quả bóng tròn có độ cong bằng nhau ở tất cả các kinh tuyến bề mặt, do vậy công suất khúc xạ bằng nhau ở các hướng.

Ở mắt loạn thị, bề mặt giống như quả trứng, có độ cong không đều ở tất cả các hướng vì vậy công suất khúc xạ cũng khác nhau ở các kinh tuyến. Ở mắt loạn thị có 2 kinh tuyến chính: một kinh tuyến vồng hơn và một kinh tuyên dẹt hơn. Hai kinh thuyến này vuông góc với nhau.

Ở mắt loạn thị thường có mặt giác mạc cong không đều, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì không thấy rõ. Với độ cong giác mạc bất thường rất nhỏ thì cũng gây ra loạn thị đáng kể.

3Biểu hiện của Tật khúc xạ học đường

Nếu như người lớn có thể phát hiện và điều trị sớm tật khúc xạ thì với trẻ em điều này khó khăn hơn rất nhiều. Thông thường, bố mẹ chỉ phát hiện trẻ mắc tật khúc xạ khi các con bắt đầu đi học.

Biểu hiện dễ nhận thấy của tật khúc xạ học đường là trẻ đọc sai, đọc nhầm chữ trên bảng, lực học sa sút, kém tập trung,… Lúc này, nếu bố mẹ mới đưa con đi khám và đeo kính thì đã muộn. Vì cận thị tiến triển rất nhanh, làm thị lực suy giảm nghiêm trọng. Tật khúc xạ phát hiện muộn có thể gây ra nhiều biến chứng như nhược thị, lác dẫn đến khó hồi phục thị lực.

Vì vậy, bố mẹ, thầy cô cần lưu ý và đưa con đi khám mắt sớm khi thấy trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây:

  • Nhìn vật khó khăn, đưa sát mắt mới nhìn rõ
  • Thường xuyên nheo mắt đề nhìn vật
  • Trẻ hay nghiêng đầu
  • Thường dụi mắt dù khống buồn ngủ
  • Trẻ thường xuyên nhức mỏi mắt, chảy nước mắt
  • Kết quả học tập sa sút, kém tập trung
  • Trẻ kêu nhìn mờ, khó nhìn

4. Điều trị tật khúc xạ

Hiện nay có các phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến sau:

Đeo kính gọng: Đây là phương pháp điều trị kinh điển nhất và được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất hiện nay. Kính gọng điều chỉnh cho tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị. Kính gọng có thể được thiết kế đơn tròng, hai tròng và cả đa tròng. Ngoài việc điều trị tật khúc xạ, kính gọng còn có thể góp phần tăng tính thời trang cho người đeo. Tuy nhiên, với một số người, kính gọng trở thành rào cản trong công việc, hoạt động thể thao và thẩm mỹ. Kính gọng cũng sẽ không phù hợp đối với những người bị bất đồng khúc xạ lớn.

 

Đeo kính tiếp xúc: Kính tiếp xúc khắc phục được nhược điểm của kính gọng và giải quyết được vấn đề thẩm mỹ. Kính tiếp xúc có nhiều loại gồm kính cứng, kính mềm, thiết kế đeo ban ngày, ban đêm. Kính tiếp xúc chủ yếu dùng để điều trị tật khúc xạ, ngoài ra còn có kính tiếp xúc màu tạo thẩm mỹ, kính tiếp xúc điều trị như trầu xước giác mạc, dãn phình giác mạc sau phẫu thuật khúc xạ hay giác mạc chóp,…

 

Phẫu thuật khúc xạ: Bao gồm các phẫu thuật từ rạch giác mạc nan hoa đến phẫu thuật laser bề mặt như PRK, Lasek, Epi- Lasik và phẫu thuật Lasik. Phẫu thuật Lasik cũng đã không ngừng phát triển, từ phẫu thuật Lasik với vạt giác mạc được tạo bằng dao cơ học (microkeratome) cho đến vạt giác mạc được tạo bằng Laser (Femtosecond Laser) đã mang lại sự an toàn hơn nữa cho bệnh nhân. Phẫu thuật Lasik cũng không dừng lại ở đây, mà nó đang tiến xa hơn với Lasik không tạo vạt SMILE.

 

5. Phòng tránh tật khúc xạ học đường

+ Quy tắc 20/20/20: Sau mỗi 20 phút làm việc nhìn gần( < 50cm), cần nhìn xa 20 feet (6m) trong 20 giây

+ Quy tắc khuỷu tay: luôn giữ khoảng cách là 1 cẳng tay giữa mắt và sách

+ Hạn chế các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính

+ Chọn bàn ghế thay đổi được độ cao, độ nghiêng của mặt bàn. Bàn ghế có trang bị tựa lưng, gác chân.

+ Chiều cao màn hình máy tính: Phần viền trên của màn hình phải song song với tầm mắt của trẻ

+ Quy tắc chọn đèn học cho trẻ : Nên chọn loại đèn có độ cao từ 40 – 50cm hoặc có thể tùy chỉnh độ cao phù hợp. Đèn bàn học là loại lắp bóng đèn LED có công suất dưới 13W, hoặc chọn bóng đèn sợi đốt công suất dưới 60W . Thân đèn nên linh hoạt và chụp đèn không hắt sáng quá nhiều hoặc tạo ra bóng tối

       Ngoài việc rèn luyện những thói quen lành mạnh trong học tập và sinh hoạt thì bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe đôi mắt của trẻ. Nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A như gan , trứng, các loại rau có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ…và các loại rau có màu xanh đậm, tham gia hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi.

+ Đeo kính râm khi ra đường: Hạn chế sự tác động của tia UV ảnh hưởng tới mắt

Khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần nhằm phát hiện các tật khúc xạ, cũng như các bệnh nguy hiểm để có hướng điều trị kịp thời.

+ Trẻ em cần ít nhất 2 tiếng hoạt động ngoài trời để giảm yếu tố nguy cơ dẫn đến cận thị.

+ Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng tiến triển của cận thị. Trẻ em cần được ngủ đủ 9 – 11 tiếng mỗi đêm.

Cử nhân khúc xạ Nguyễn Thị Thủy Quỳnh

Khoa khám bệnh – CLS/ Bệnh viện Mắt Nghệ An