• Thời gian khám bệnh

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 7h00 - 16h00

    Thứ 7 : Từ 8h00 - 16h00

    Khám ngoài giờ

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 16h00-18h00

CẢNH BÁO: CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ TRONG THỜI GIAN NGHỈ DỊCH COVID-19

Ngày 17/9/2021

Ths-Bs Phan Trọng Dũng, Trưởng Khoa Tổng hợp-Glôcôm, Bệnh viện Mắt Nghệ An cho biết thời gian gần đây BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn sinh hoạt liên quan đến mắt, không ít trong số đó là trẻ em, phần lớn lá bệnh nặng mắt bị tổn thương nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

  Nguyên nhân gây chấn thương thường do trẻ đùa nghịch, chơi những đồ vật sắc nhọn như: dao, kéo, que sắt, cành cây hoặc chạy nhảy, ngã đập mắt vào những vật cứng. Một số trường trẻ bị bỏng do người lớn bất cẩn khi để những dung dịch như: nước sôi, dầu ăn sôi, acid-bazơ… trong tầm tay của trẻ.

Điển hình như trong tuần vừa qua, BV đã tiếp nhận và cấp cứu cho 2 trường hợp bị chấn thương mắt khá nặng:

   Cháu Nguyễn Xuân P (4 tuổi) ở Tân Kỳ-Nghệ An bị chấn thương mắt phải do que chọc vào khiến mắt bị  lớp giác mạc (lòng đen), xuất huyết tiên phòng (chảy máu trong măt). Sau thời gian điều trị tích cực nhưng máu tiêu rất chậm nên cháu đã được các bác sỹ chuyển mổ rủa máu, tái tạo tiên phòng, sau mổ tình trang mắt bệnh nhân tiến triển tốt nhưng tiên lượng thị lực sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

   Trường hợp nặng hơn là cháu Đoàn Minh Quân ( 5 tuổi) ở Diễn Châu- Nghệ An bị chấn thương mắt trái do ô chọc vào. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt trái đau nhức, chảy máu, nhìn mờ nhiều. Sau khi thăm khám, các bác sỹ kết luận mắt trái bị rách giác mạc, rách củng mạc, phòi kẹt tổ chức nội nhãn, đục vỡ thể thủy tinh. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên phòng mổ khâu đóng vết thương giác củng mạc, nhưng Quân sẽ còn phải trải qua một hay vài cuộc phẫu thuật nữa với mục đích để “sửa đổi, sắp đặt” lại những tổn thương trong mắt

  Hy hữu có bệnh nhân 9 tuổi ở Diễn Châu, đang trêu đùa cùng em không may va vào tay nắm cửa, làm vỡ nhãn cầu mắt trái, đục vỡ thủy tinh thể, ảnh hưởng đến thị lực rất nhiều.

Hậu quả của những chấn thương này rất nặng nề do:

- Con mắt có thể tích rất nhỏ, khỏang 5-6cm3, là cấu trúc quang học(như máy ảnh), rất nhiều mạch máu và thần kinh chi phối.

- Nhiều cấu trúc giải phẫu của mắt khi bị tổn hại không thể phục hồi hay sản sinh mới được, cũng không thể cấy ghép hay dùng bộ phận nhân tạo được

Chính vì vậy chấn thương mắt thường gây ra những tổn hại không hồi phục, đi kèm với nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ giảm thị lực và mù lòa còn rất cao tuy đã có rất nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị. Với trẻ em vấn đề còn phức tạp hơn bởi tỷ lệ viêm nhiễm do chấn thương của các em sẽ cao hơn người lớn như viêm màng bồ đào, đáng sợ hơn là nhãn viêm giao cảm, bệnh gây hại cho mắt lành(mắt còn lại).

Một số chấn thương mắt hay gặp và cách xử trí:

Với chấn thương do va đập (chấn thương đụng giập): chúng ta nên chườm lạnh (nếu vết thương không chảy máu) hay băng mắt nếu vết thương có chảy máu và chuyển các cháu đi Bác sỹ chuyên khoa

Với các vết thương có thông thương giữa mắt và môi trường bên ngòai( vết thương xuyên): nên băng che mắt bằng băng vô khuẩn( không đè ấn váo nhãn cầu), dùng giảm đau và chuyển các em khám cấp cứu tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất

Với bỏng mắt các loại: nên rửa mắt ngay lần đầu bằng nước sạch sẵn có, giảm đau, không băng mắt và chuyển các em đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất

Nhân viên y tế và phụ huynh không nên hoảng sợ đè ép vào vết thương bằng khăn, bông, giấy ăn… hay cố gắng lấy vật gây chấn thương ra ngoài mà nên chấn an các em, dùng giảm đau, an thần rồi đưa các em đi cấp cứu.

Phòng ngừa chấn thương mắt ở trẻ em.

- Nhắc nhở con em mình thường xuyên để các em tự bảo vệ bản thân là việc đầu tiên nên làm

- Tránh các đồ chơi có vật nhọn như cung tên, phi tiêu, que nhọn, ô dù  ….

- Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo…

- Che chắn các góc nhọn của bàn, tủ.

- Cất những hóa chất như xăng, axit, hay nước sôi khỏi tầm với của trẻ

- Đeo kính bảo vệ: lựa chọn một chiếc kính phù hợp với mắt để giảm ánh sáng trực tiếp và cản vật lạ bay vào mắt bất ngờ.

                                                                                           Phan Dũng-Phước Sang

                                                                                          Khoa Tổng hợp-Glôcôm