• Thời gian khám bệnh

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 7h00 - 16h00

    Thứ 7 : Từ 8h00 - 16h00

    Khám ngoài giờ

    Thứ 2 - Thứ 6 : Từ 16h00-18h00

NGỨA MẮT: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Ngày 28/7/2021

    Hầu như tất cả mọi người đều từng trải qua tình trạng ngứa mắt, có thể kéo theo tình trạng ngứa mí mắt, đặc biệt là ở chân lông mi, đỏ hoặc sưng mí mắt. Ngứa mắt có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và các phương pháp điều trị ngứa mắt.

I. Nguyên nhân gây ngứa mắt:

    Ngứa mắt thường xảy ra do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là dị ứng và nhiễm trùng. Khám, phát hiện nguyên nhân rất quan trọng vì tùy theo từng nguyên nhân, việc điều trị có thể khác nhau.

1. Ngứa mắt dị ứng:

    Đa phần nguyên nhân gây ngứa mắt là do 1 số loại dị ứng. Một chất kích thích (được gọi là chất gây dị ứng) như phấn hoa, bụi, hay lông động vật, làm giải phóng các chất được gọi là Histamine trong các mô xung quanh mắt, dẫn đến ngứa, tấy đỏ và sưng.

    Dị ứng mắt có nhiều trạng thái tần suất khác nhau, có thể xảy ra theo mùa hoặc lâu năm. Nếu chứng ngứa mắt của bạn diễn ra đều đặn có chu kì vào cùng một thời điểm hàng năm, điều này cho thấy bạn có khả năng cao bị dị ứng theo mùa, được gọi là viêm kết mạc dị ứng. Bệnh này thường gặp nhất vào mùa xuân và mùa thu. Một cách để nhận biết dễ dàng hiện tượng này là bạn sẽ có thêm một số phản ứng dị ứng khác, ví dụ như hắt hơi, nghẹt mũi...

    Ngoài ra trong một số trường hợp, bạn dị ứng với chính sản phẩm đang sử dụng, như kính áp tròng, mỹ phẩm (mascara, kẻ mi...), nước mắt nhân tạo điều trị khô mắt,... Trường hợp đeo kính áp tròng không thường xuyên vệ sinh hay đeo quá lâu mà không thay kính mới, sẽ gây tình trạng dị ứng và ngứa mắt.

2. Ngứa mắt do nhiễm trùng:

     Mắt bị ngứa cũng có thể đến từ nguyên nhân mắt đang bị nhiễm trùng bởi các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm...

     Một trong những bệnh nhiễm trùng mắt gây ngứa mắt phổ biến là viêm kết mạc. Khi gặp phải bệnh lý này, mắt của bệnh nhân sẽ chuyển sang màu hồng, mắt bị ngứa và khô dữ dội, đem đến cho bệnh nhân cảm giác khó chịu, mệt mỏi.

    Ngoài ra, một số bệnh tại mắt có thể gây ngứa mắt như khô mắt, viêm bờ mi. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mắt của bạn có thể ngừng tiết ra nước mắt khiến bạn bị khô mắt dẫn tới chứng ngứa mắt. Tình trạng khô mắt thường xuất hiện phổ biến ở nhóm người cao tuổi. Lúc này, việc sản xuất nước mắt có xu hướng suy yếu dần.Tương tự như vậy, một số bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp... cũng gây ra tình trạng thiếu nước mắt. Đối với các trường hợp khác, khô mắt sẽ xảy ra nếu bạn làm việc quá nhiều hoặc ở trong môi trường có độ ẩm thấp, nhiều gió... Ngoài ra, nếu tuyến lệ bị tắc, mắt cũng sẽ bị khô và ngứa.

    Đôi khi, mắt bị ngứa và đỏ cũng có khả năng xảy ra do viêm bờ mi. Tình trạng này xảy ra khi các tuyến dầu nhỏ ở gốc lông mi bị tắc nghẽn. Bên cạnh chứng ngứa mắt, đỏ mắt..., viêm mí mắt cũng có thể gây ra một số biểu hiện khác như sưng đau, chảy nước mắt...

II. Điều trị chứng ngứa mắt:

 Nguyên tắc chung khi điều trị ngứa mắt:

- Không tự ý nhỏ thuốc tại nhà.

- Không nên dụi mắt khi thấy ngứa.

- Đến cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn điều trị khi thấy ngứa mắt nặng và kéo dài.

    Điều trị ngứa mắt hiệu quả nhất là trực tiếp giải quyết nguyên nhân gây ngứa mắt.Các triệu chứng đôi khi được giảm bớt bằng nước mắt nhân tạo hoặc các thuốc  nhỏ mắt điều trị dị ứng. Tuy nhiên sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ kê đơn trong trường hợp thực sự cần thiết.

    Nếu đang bị tình trạng viêm kết mạc dị ứng, một số loại thuốc có thể giúp giảm tình trạng ngứa mắt hơn. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp chườm khăn lạnh để giảm thiểu tình trạng ngứa mắt trong thời gian tạm thời.

     Nếu nguyên nhân gây ngứa mắt là do tình trạng khô mắt, việc điều trị phải đồng thời dùng thuốc giảm ngứa mắt và điều trị khô mắt. Nếu sử dụng các sản phẩm tại chỗ gây dị ứng, cần ngưng sử dụng ngay.

     Đặc biệt bạn không nên dụi mắt khi thấy ngứa. Việc dụi mắt sẽ giải phóng nhiều Histamine hơn làm cho tình trạng ngứa mắt tăng nặng hơn. Việc dụi mắt quá mạnh cũng có thể sẽ gây ra tình trạng xước giác mạc, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mắt.

Bác sỹ Văn Thị Lan Phương

Trưởng khoa Kết Giác mạc – Bệnh viện Mắt Nghệ An