Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Điều này vô tình làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc nguy hại hơn, là ảnh hưởng đến đôi mắt. Những nội dung dưới đây sẽ đề cập đến một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.
1. Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng
Thuốc nhỏ mắt là dạng bào chế vô khuẩn và thường chứa ít thành phần chất bảo quản nên thuốc có hạn sử dụng sau khi mở nắp ngắn, thông thường chỉ trong vòng 15 ngày đến 1 tháng. Để đảm bảo chất lượng, nên ghi lên lọ thuốc ngày mở nắp và không nên sử dụng lọ thuốc nhỏ mắt đã được mở quá 1 tháng. Không nên cố tình sử dụng tiếp vì khi đó thuốc không những không đạt hiệu quả mà còn gây hại cho mắt, gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt. Lưu ý bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
2. Không được sử dụng chung lọ thuốc nhỏ mắt với người khác
Dùng chung lọ thuốc lọ nhỏ mắt cho nhiều người làm cho vi khuẩn, bụi bẩn, lây lan từ người này sang người khác, dẫn đến mắc các bệnh không mong muốn, khó chữa.
3. Không nên nhỏ nhiều giọt cùng một lúc
Nhiều người có thói quen nhỏ nhiều giọt một lúc vì nghĩ làm như vậy mắt sẽ sạch hơn, hiệu quả tốt hơn. Thực tế cho thấy mắt chỉ có thể chứa một giọt thuốc nhỏ mắt một lúc, việc nhỏ thêm chỉ khiến thuốc nhỏ mắt chảy ra ngoài chứ không hề tăng thêm tác dụng. Việc nhỏ nhiều giọt một lúc không gây hại tuy nhiên cũng không có tác dụng gì ngoài mất thời gian và lãng phí thuốc nhỏ mắt.
4. Rửa tay sạch trước khi nhỏ mắt
Như đã lưu ý ở trên, lọ thuốc nhỏ mắt rất dễ bị nhiễm khuẩn, ngoài ra mắt là môi trường dễ bị viêm nhiễm nếu sử dụng thuốc không đảm bảo. Rửa tay sạch trước khi chạm vào lọ thuốc sẽ tránh vi khuẩn lây từ tay vào lọ thuốc và đi vào mắt.
5. Không để lọ thuốc chạm vào mắt
Việc chạm đầu của lọ thuốc vào mắt khiến thuốc nhỏ mắt không còn vô khuẩn và gây hại ngược lại cho mắt trong những lần sử dụng tiếp theo. Bởi vậy hãy lưu ý đừng để lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt khi sử dụng.
6. Không sử dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi
Sử dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi là hiện tượng một số người tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà khi thấy mắt bị cộm, đỏ, ngứa …Tuy nhiên, bạn cần được bác sỹ kiểm tra xác định chính xác xem các triệu chứng trên là của bệnh nào như đau mắt đỏ, đau mắt hột hay tăng nhãn áp… để được kê đơn thuốc điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh ở mắt kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt nguy hại nếu sử dụng bừa bãi các thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Corticoid. Người dùng thấy thuốc tra xong giảm nhanh triệu chứng viêm, ngứa nên sử dụng thường xuyên mà không biết được sử dụng lâu dài các thuốc này có thể gây tăng nhãn áp (thiên đầu thống), đục thủy tinh thể,…. Các biến chứng hay gặp trong nhãn khoa là: viêm loét giác mạc nặng lên khi dùng corticoid không đúng chỉ định; mù mắt do bệnh glocom corticoid do bệnh nhân lạm dụng corticoid kéo dài và không có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất
7. Lưu ý về thời gian nhỏ thuốc mắt
Rất nhiều người cho rằng thuốc nhỏ mắt sử dụng lúc nào cũng được, hoặc cứ sử dụng lúc mắt cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy. Tuy nhiên điều này không đúng, tùy thuộc vào dạng bào chế của thuốc nhỏ mắt và tình trạng bệnh mà thời gian giữa 2 lần sử dụng thuốc sẽ khác nhau. Để xác định chính xác thời gian giữa các lần nhỏ mắt là bao nhiêu người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc nhỏ mắt. Chẳng hạn với những thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp khoảng cách giữa 2 lần nhỏ mắt có thể kéo dài đến 24 giờ.
Ngoài ra nếu sử dụng các thuốc nhỏ mắt khác nhau cũng cần sử dụng cách nhau ít nhất 30 phút chứ không nên sử dụng đồng thời do thuốc mắt có thể tương tác với nhau hoặc mắt không thể chứa đủ cùng lúc 2 loại thuốc mắt gây giảm hiệu quả điều trị.
8. Không bỏ kính áp tròng khi nhỏ thuốc nhỏ mắt
Đây là sai lầm cơ bản của nhiều người sử dụng kính áp tròng khi nhỏ mắt vì cho rằng không cần tháo kính áp tròng cũng như cảm thấy phiền khi phải tháo kính áp tròng.
Đối với nhiều loại thuốc nhỏ mắt, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt mà đeo kính áp tròng sẽ khiến cản trở quá trình hấp thu của thuốc từ đó giảm hiệu quả của thuốc.
9. Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách:
Bước 1.
- Rửa tay sạch trước khi nhỏ mắt
- Nếu mắt có gỉ ghèn, nhẹ nhàng lau sạch bằng bông gòn thấm nước ấm, lau từ góc trong của mắt ra ngoài khi mắt nhắm.
- Tháo kính, kính sát tròng (trừ khi được bác sĩ nhãn khoa hướng dẫn tiếp tục đeo kinh sát tròng trong khi sử dụng thuốc nhỏ mắt)
Bước 2.
- Lắc đều lọ thuốc trong vài giấy (nếu cần đối với các dạng thuốc là hỗn dịch, nhũ tương).
- Làm ấm lọ thuốc đến nhiệt độ phòng (nếu lọ thuốc đã được bảo quản lạnh) bằng cách đặt lăn lọ thuốc giữa 2 lòng bàn tay.
Bước 3.
- Ngửa đầu ra sau hoặc nằm xuống và nhìn lên trên
- Dùng ngón tay kéo nhẹ mi dưới xuống, để tạo thành “túi” giữ thuôc.
Bước 4.
- Giữ chai thuốc nhỏ mắt ở gần mắt và bên trên “túi” vừa tạo ở mi dưới. Chú ý không để chai thuốc chạm vào mi mắt, lông mi hoặc bất cứ phần nào của mắt.
- Bóp nhẹ chai thuốc để một giọt thuốc rơi vào “túi” ở mi dưới.
- Nếu sử dụng thuốc mỡ, bóp 1 lượng thuốc ¼ inch vào “túi” mi dưới.
Bước 5.
- Nhắm mắt nhẹ nhàng, giữ trong khoảng 1-3 phút. Không chớp hoặc nháy mắt.
- Có thể dùng ngón tay ấn nhẹ vào góc trong của mắt để ngăn thuốc đi vào tuyến lệ xuống mũi – họng.
Bước 6.
- Lặp lại các bước trên với mắt còn lại, nếu cần.
- Nếu cần phải nhỏ ≥ 2 giọt ờ cùng 1 bên mắt, đợi ít nhất 5-10 phút trước khi nhỏ giọt tiếp theo.
- Đóng nắp chai thuốc lại, bảo quản theo điều kiện ghi trên vỏ nhãn.
Một vài chú ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt:
- Kiểm tra nhãn trên thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ của bạn để xem có cần bảo quản lạnh không.
- Đóng nắp lọ thuốc ngay sau sử dụng. Không lau hoặc rửa đầu ống nhỏ mắt để tránh nhiễm bẩn.
- Thuốc mỡ mắt gây mờ mắt. Điều này là bình thường, và sẽ biến mất trong vài phút.
- Nếu phải sử dụng cả thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ mắt cùng một lúc, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt trước, đợi vài phút, sau đó sử dụng thuốc mỡ.
DS.CKI Nguyễn Thị Khánh Hòa
Khoa Dược –Vật tư, Bệnh viện Mắt Nghệ An